Đầu tư không hiệu quả
Cách đây chừng hơn chục năm, Hải Phòng tự hào là "trung tâm sản xuất thép" của cả nước. Nhưng thực chất, ngoài một số doanh nghiệp có tên tuổi như Việt - Nhật, Việt - Úc, Posco,... số còn lại công suất nhỏ (300 - 500 nghìn tấn/năm), vốn đầu tư chừng 1.000 tỉ đồng), dây chuyền cũ, thiếu đồng bộ, nhập khẩu với giá "thanh lý", chỉ cho ra sản phẩm thép xây dựng. Khi thị trường xây dựng trầm lắng thì sản xuất của các doanh nghiệp thép, cút ren mạ kẽm này lập tức rơi vào khủng hoảng. Đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch gây mất cân đối trầm trọng. Các sản phẩm thép xây dựng, thép ống thông thường được đầu tư quá mức, vượt xa nhu cầu... Điều này khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thép thành phẩm tồn kho tới gần 500 nghìn tấn, chi phí trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng tới hàng trăm tỉ đồng, trong khi giá bán ở dưới giá thành.
Cty CP thép Vạn Lợi là một thí dụ điển hình. 5 năm trước, quy mô của Vạn Lợi được hình dung như một tập đoàn lớn, với 14 DN thành viên, doanh số mỗi năm đạt khoảng 10 nghìn tỉ đồng, đến năm 2012, đạt một tỉ USD. Hiện, Cty thép Vạn Lợi còn là con nợ của sáu tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn. Cuối năm 2012, Cty thép Vạn Lợi đã ngừng sản xuất và nằm trong diện giám sát, quản lý của các ngân hàng.
Ngoài Vạn Lợi không thể không nhắc đến Cty CP thép Ðình Vũ, sau vài năm sản xuất đến nay Cty liên tục lỗ. Được biết, 70% cổ phần của Cty buộc phải chuyển nhượng cho một tập đoàn đầu tư của Australia, nhưng sản xuất vẫn không hơn trước là mấy. Còn Cty CP thép Cửu Long Vinashin lâm vào tình cảnh "đắp chiếu". Cty CP luyện thép Sông Ðà (thành viên của Thép Việt - Ý), mặc dù có công nghệ khá hiện đại, nhưng hiện tại không chạy hết công suất.
Nhiều ngành khác bị vạ lây
Ước tính, tổng số nợ ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp thép ở Hải Phòng hơn 5 nghìn tỉ đồng, trong đó, chủ yếu là nợ xấu, khó đòi. Các ngân hàng không dám siết nợ vì thời điểm cho vay, công tác thẩm định hiệu quả dự án, thiết bị sản xuất,... không kỹ, nhiều thiết bị lạc hậu, công suất thấp. Nếu siết nợ, không biết bán dây chuyền ấy cho ai để thu hồi vốn.
Những bất cập của ngành thép có nguyên nhân từ sự thiếu chặt chẽ của cơ quan chủ quản trong việc cho phép đầu tư quá lớn vào ngành này. |
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, khoản nợ của các doanh nghiệp thép tại Hải Phòng rất lớn. Một số khoản nợ lớn do các chi nhánh được ngân hàng mẹ chỉ định cho vay theo các dự án đầu tư. Có doanh nghiệp nợ tới 5-6 tổ chức tín dụng do khoản vay được các ngân hàng đồng tài trợ. Nhiều ngân hàng dừng cho các doanh nghiệp sản xuất thép vay tiền. Những ngân hàng còn cho vay cũng yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp, chẳng hạn, có giám đốc doanh nghiệp phải thế chấp bằng chính tài sản có giá trị của gia đình mình như nhà, ôtô, vàng… Những tài sản doanh nghiệp vẫn dùng để thế chấp trước đây như nhà xưởng, thiết bị, hay chính các sản phẩm thép không được ngân hàng chấp nhận. Không chỉ nợ ngân hàng, một số doanh nghiệp thép nợ đọng tiền điện, tiền bảo hiểm xã hội hàng tỉ đồng. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép, tiền điện chiếm một phần đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng 3 Cty thép trên địa bàn thành phố đã nợ ngành điện hơn 23 tỉ VND: Cty CP thép Vạn Lợi nợ tiền điện 15,38 tỉ VND; Cty CP thép Đình Vũ nợ 7,68 tỉ VND; Cty CP thép Cửu Long nợ 443 triệu VND. Điều khiến ngành điện lo lắng là khả năng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh có lãi, có tiền trả ngành điện xem ra là rất xa vời. Hơn nữa đó lại là khoản tiền không thuộc nhóm ưu tiên nếu doanh nghiệp phá sản.
Cùng với việc nợ tiền điện tiêu thụ, Cty TNHH MTV điện lực Hải Phòng hiện còn phải khởi kiện các doanh nghiệp thép ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các công trình điện mà phía Cty đã thực hiện để cung ứng điện cho các doanh nghiệp này theo hợp đồng ký kết. Được biết, trong những năm vừa qua, điện lực Hải Phòng đã đầu tư xây dựng một số công trình đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là các trạm biến áp 110 kV cấp điện cho các khách hàng sử dụng công suất lớn, giá trị đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong công trình, các doanh nghiệp này đã không sử dụng đúng tiến độ hoặc công suất, điện năng đã cam kết trong hợp đồng mua bán điện. Trong khi đó, Cty vẫn phải trả lãi hằng tháng, gây lãng phí tiền nhà nước mà không biết đến bao giờ mới đòi được.
Chính các doanh nghiệp thép phải chịu thiệt thòi, rủi ro và kéo theo cả ngành khác. Nhưng bài toán về sự phát triển của ngành thép còn nan giải vì hiện vẫn có những nhà máy sản xuất thép tiếp tục được xây dựng.
Minh Huệ
Theo DĐDN