Các nhà máy cán nguội thép không gỉ đang điêu đứng vì không thể xuất khẩu được do phế liệu thép không gỉ bị áp thuế xuất khẩu lên tới 15%. buộc DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, thậm chí còn có nguy cơ đóng cửa nhà máy, nhường lại toàn bộ thị trường thép cán nguội không gỉ trong nước cho các nhà nhập khẩu (NK).
Để giải thoát khỏi vòng xoáy đó, cuối năm 2011, đầu năm 2012 đại diện Tập đoàn thép Posco tại Hà Nội đã gửi công văn lên Bộ Tài chính kiến nghị miễn thuế XK đối với phế liệu thép không gỉ, nhưng Bộ Tài chính cho biết: Biểu khung thuế XK do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định, đối với phế liệu thép không gỉ theo biểu thuế là 15% đến 30%” nên đến nay vẫn phải thực hiện theo đúng quy định.
Các DN cán nguội thép không gỉ như: Posco VST tại Đồng Nai; INOX Hòa Bình tại Hưng Yên; INOX Kim Vĩ tại thành phố Hồ Chí Minh; cùng với 5 đơn vị sản xuất tại Hà Nội là: INOX Hoàng Vũ, INOX Tiến Đạt, INOX Sơn Hà, INOX Châu Âu, INOX Đại Phát cho biết, trong quá trình sản xuất gia công thép không gỉ cán nguội từ nguyên liệu là thép không gỉ cán nóng nhập khẩu phát sinh một số lượng lớn phế liệu là không tránh khỏi, mà DN không hề mong muốn.
Thống kê toàn bộ sản phẩm thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam là 350 ngàn tấn/năm thì trong quá trình sản xuất phát sinh trên 35 ngàn tấn/năm lượng phế liệu thép không gỉ. Ước tính, tỷ lệ phế liệu thu từ hoạt động sản xuất thép không gỉ lên khoảng 10 đến 15% tổng nguyên liệu đầu vào.
Các DN thép cho rằng, trong sản xuất DN đã tận dụng tối đa, số phế liệu đó DN không thể sử dụng được nên phải tận dụng XK, việc XK xác định hoàn toàn không đem lại lợi nhuận chỉ với mục đích bù đắp chi phí đầu vào. Trong khi tại Việt Nam chưa có nhà máy tái chế phế liệu thép không gỉ công nghiệp, chỉ có những cơ sở thu mua nhỏ lẻ với lượng không đáng kể, họ chọn lọc mua thép không gỉ với giá thấp để gia công các chi tiết, sản phẩm đơn giản, vì thế DN buộc XK.
Đại diện các DN cũng khẳng định, việc XK này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến trữ lượng tài nguyên khoáng sản trong nước vì những phế liệu đó đều được phát sinh từ nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy các DN đề nghị, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh áp dụng theo Khoản 4, Điều 15 khung thuế suất cho thuế xuất khẩu phế liệu thép không gỉ, nhằm tạo điều kiện giảm giá thành của các DN sản xuất thép không gỉ.
Để tạo điều kiện cho các DN phát triển, hầu hết các nước trên thế giới nếu chưa phát triển các cơ sở sản xuất tái chế phế liệu thép không gỉ công nghiệp đều không áp dụng thuế XK. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cũng là nước chưa có cơ sở tái chế loại phế liệu này, lại áp thuế XK lên tới 15% làm nâng giá thành sản phẩm, khiến DN không thể XK. Đó là điều bất hợp lý, làm sản phẩm trong nước kém cạnh tranh.
Theo tính toán của Posco, giá phế liệu thép không gỉ tương ứng với các loại sản phẩm của công ty là: SUS201, SUS304, SUS430 cùng với thuế XK PLTKG 15% như hiện nay thì ước tính mỗi năm Posco thiệt hại khoảng hơn 4 triệu USD (tương đương khoảng 87 tỷ đồng). Đến nay, phế liệu thép không gỉ tồn kho tại Posco lên tới hơn 9 ngàn tấn, khiến DN càng khó khăn.
Với bức xúc đó, vừa qua đại diện các DN và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiếp tục gửi công văn tới liên Bộ Tài chính, Công Thương để tiếp tục kiến nghị miễn thuế XK đối với phế liệu thép không gỉ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là trong bối cảnh hiện nay.